Ẩm thực An Giang được xem như hội tụ nét ẩm thực đặc sắc của miền Tây Nam Bộ. Nơi bạn có dịp vừa chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ, vừa thưởng thức “thế giới” của các món đặc sản độc đáo, hấp dẫn, ăn một lần là nhớ mãi.

1. Bún cá Long Xuyên

Mặc dù bún cá được bán nhiều nơi ở miền Tây Nam Bộ, nhưng bún cá Long Xuyên lại có hương vị đặc trưng với mùi thơm nhè nhẹ của nghệ, vị bún được nêm không quá đậm, nên có độ nhạt vừa phải và rất dễ ăn. Bún cá có nước lèo được ninh từ xương gà, rau giá ăn kèm với bún cá rất đa dạng, có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và bông điên điển…. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này.

2. Gỏi sầu đâu

Gỏi sầu đâu được xem như món ăn nổi tiếng nhất của đất An Giang. Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn như món gỏi sầu đâu với thịt, tôm, hải sản hay gỏi cá, gỏi sầu đâu khô sặt… Món nào cũng ngon tuyệt hảo. Một đĩa gỏi sầu đâu thường gồm thịt ba rọi luộc, tôm sú luộc, khô sặt rằn nướng, dưa leo, xoài xanh và không thể thiếu đọt sầu đâu non đã được trụng nước sôi đem trộn đều với nước mắm ớt chua ngọt. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị chua kết hợp vị đắng khiến bạn khó quên.

3. Bánh canh bò viên Bảy Núi

Bánh canh bò viên với những nguyên liệu chế biến khá đơn giản, nhưng hương vị lại vô cùng thơm ngon, đặc biệt, gồm sợi bánh canh, bò viên và thịt chân giò. Kết quả thành công khi nấu món ăn này phụ thuộc chủ yếu vào nồi nước lèo. Thưởng thức bánh canh, bạn sẽ cảm nhận vị ngọt, dai và thơm của miếng bò cùng hương vị đậm đà của nước lèo khiến bạn khó lòng quên được. Để ăn kèm với bánh canh bò viên, bạn có thể cho thêm một ít rau trụng, chan, ớt để kích thích vị giác hơn.

4. Xôi phồng Chợ Mới

Xôi phồng được xem là “nghệ thuật” của ẩm thực An Giang. Nếp dẻo được chiên vàng ươm ăn cùng với gà quay là sự kết hợp vô cùng hấp dẫn mà thưởng thức một lần sẽ để lại hương vị khó quên. Sau khi chiên, xôi có hình dạng như quả bóng màu vàng, có độ giòn và hương thơm hấp dẫn. Bạn có thể chấm xôi phồng với xì dầu hoặc tương ớt, giúp tăng thêm hương vị cho món ăn.

5. Gà đốt lá chúc Ô Thum

Bất kì ai đặt chân đến vùng đất An Giang cũng đều phải thử món gà đốt lá chúc Ô Thum huyền thoại. Món ăn có nguồn gốc từ Campuchia. Lá chúc như một loại gia vị đặc biệt tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đầu được cho món gà nướng. Những con gà nướng chính có màu vàng bóng, thơm nức, các gia vị thấm đều vào gà, món ăn vừa giữ được vị ngọt tự nhiên, vừa hòa quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc. Từng miếng thịt chấm muối ớt chanh, kèm gỏi bắp làm hương vị đọng lại nơi đầu lưỡi.

6. Cháo bò Tri Tôn

Cháo bò là món ăn quen thuộc của người dân địa phương huyện Tri Tôn. Gạo để nấu cháo bò phải dùng loại gạo lúa mùa “sóc Khmer” có hương thơm, độ dẻo đặc trưng. Muốn món cháo thêm hương vị đậm đà, bạn nên dùng thêm gia vị là trái chúc, dư vị chua thanh của nó sẽ thấm vào vị cháo. Khi thưởng thức, các bạn nên ăn chậm rãi để có thể cảm nhận được vị ngon đặc biệt của món ăn này.

7. Gỏi đu đủ đâm Tri Tôn

“Đu đủ đâm” là món ăn dân dã, được người dân biên giới ở huyện Tri Tôn (An Giang) đặt tên. Gỏi đu đủ đâm với các nguyên liệu quen thuộc như ba khía, mắm ruốc, thịt nướng, đu đủ bào sợi,… Tất cả hòa quyện vào nhau, vị mằn mặn của ba khía, vị chua cay của ớt và chanh, kèm vị thanh thanh tươi mát của những sợi đu đủ tạo nên món ăn ngon khó cưỡng.

8. Ếch kẹp nướng Tri Tôn

Món ếch kẹp nướng với hương vị ngon lạ miệng và hấp dẫn, là đặc sản ngon khó cưỡng mà du khách không thể bỏ qua khi đến Tri Tôn, An Giang. Ếch được lột sạch da và tẩm gia vị, thêm ít nghệ tươi tạo nên màu sắc bắt mắt cho món ăn. Ếch kẹp nướng chỉ cần qua 2-3 lần trở tay thì thịt sẽ săn lại, mỡ từ thịt chảy ra. Mùi thơm lan tỏa vô cùng quyến rũ thực khách.

9. Bò bảy món núi Sam

Với thịt bò đơn giản, người ta dùng để chế biến ra 7 món với hương vị hấp dẫn, “gây nghiện” thực khách. Bạn có thể lựa chọn thưởng thức lòng bò luộc, bánh hỏi bò đun, cháo bò, bánh mì bò khìa, bò xào lá giang, bò lúc lắc… Dù thưởng thức món nào, du khách cũng đều cảm thấy thích thú vì ngon miệng. Các món ăn có thịt bò này thường được bán ở các quán dọc theo chân núi Sam, bạn có thể đến đây và thưởng thức qua.

10. Tung lò mò

Nghe tên có vẻ xa lạ nhưng đây thực chất lại là món ăn quen thuộc với nhiều người. Tung lò mò hay lạp xưởng bò là đặc sản An Giang được đông đảo thực khách gần xa yêu thích. Tung lò mò được làm hoàn toàn từ thịt bò nguyên chất, không sử dụng chất bảo quản và đặc biệt không trộn lẫn thịt mỡ heo xay trộn. Trong quá trình chế biến, người Chăm An Giang sẽ sử dụng ruột bò (hoặc tàu hủ ky) bao bên ngoài, bên trong dồn thịt bò đã xay nhuyễn trộn với gia vị như tiêu, tỏi và một số nguyên liệu bí truyền của người Chăm. Tung lò mò có thể ăn kèm với các món ăn khác bằng cách nướng, chiên hoặc hấp, nhưng ngon nhất vẫn là nướng trên than hồng .

11. Bò leo núi Tân Châu

Bò leo núi Tân Châu là món ăn có cái tên gây tò mò cho nhiều thực khách. Theo người dân nơi đây, món “bò leo núi” có tên như vậy bởi không phải được được làm từ thịt bò nuôi trên núi, mà vì hình dáng kỳ lạ của chiếc vỉ nướng dùng để ăn món này. Chiếc vỉ nướng bò không bằng phẳng mà ở giữa nhô lên cao. Người ta dùng bò tơ để làm ra món ăn cùng cách tẩm ướp và chế biến đặc biệt.

Những miếng bò tươi được xếp trên vỉ nướng, tạo cảm giác như đang trên một ngọn núi và nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, bước đầu tiên, người ăn sẽ đặt một miếng mỡ heo lên đỉnh vỉ nướng, mỡ heo chảy đều xuống vỉ nướng, sau đó mới từ từ để từng miếng thịt bò lên. Tùy theo sở thích của mỗi người, có thể phết thêm một chút bơ mặn lên miếng thịt bò đang nướng trên vỉ. Bạn có thể ăn kèm bò leo núi với bánh mì, hành tây, đậu đũa, đậu bắp, cà rốt, chuối chát, dưa chua để tăng thêm hương vị cho món ăn.

12. Bánh tằm bì

Bánh tằm bì với nước cốt dừa là một trong những đặc sản ở miền Tây mà bạn phải thử khi về miền sông nước. Có rất nhiều tiệm bánh tằm ở An Giang. Thoạt nhìn, tô bánh tằm bì trông giống tô bún thịt nướng chả giò nhưng thực chất bên dưới là những sợi bánh tằm mềm mịn, beo béo làm từ bột gạo và bột năng. Bên cạnh đó, còn có bì heo là thành phần không thể thiếu, da heo xắt bằng máy thành sợi nhỏ, mảnh, giòn, trộn đều với thịt nạc heo thái sợi, kèm các gia vị khác…

13. Bánh bò thốt nốt

Là tín đồ yêu thích bánh ngọt, bạn không thể bỏ qua món bánh bò thốt nốt ngon trứ danh ở vùng đất An Giang. Bởi nơi đây nổi tiếng với đặc sản đường thốt nốt. Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt thanh và có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh bò thốt nốt nơi đây có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Nếu có dịp đến Châu Đốc và Tân Châu, bạn nhất định phải thưởng thức những miếng bánh bò thốt nốt hòa quyện trong nước cốt dừa beo béo, đầy hấp dẫn.

14. Các món ăn được làm từ lía Tân Châu

Về Tân Châu (tỉnh An Giang), không thể bỏ qua các món ăn vặt được làm từ lía, ngon nức tiếng. Theo người dân nơi đây, con lía thuộc họ với hến, nhưng vỏ mỏng hơn. Lía được người dân cào trên sông, các con kênh, mang lên thường được luộc rau răm, xào tỏi, xào mắm me…

15. Bò cạp Bảy Núi

Vùng Bảy Núi, nơi nổi tiếng của những món ăn có bò cạp chiên giòn, đen nhánh. Bò cạp được làm sạch, sau đó chiên trên chảo dầu thật sôi, khi chín sẽ có mùi thơm hấp dẫn. Nếu bạn thích cảm giác được nhai giòn rụm và hương vị béo ngậy thì không nên bỏ qua món ăn này.

16. Cơm cị – cà púa

Cơm nị – cà púa là đặc sản An Giang khiến nhiều thực khách tò mò. Món ăn có nguồn gốc từ dân tộc Chăm xứ An Giang. Cơm nị – cà púa bao gồm hai món ăn khác biệt nhưng không thể tách rời nhau, khi kết hợp tạo nên hương vị đầy mê hoặc. Công đoạn nấu món ăn này đòi hỏi người nấu phải rất khéo léo từ khâu chuẩn bị đến khâu chế biến và trình bày món ăn. Sự đầu tư và tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu cũng như cách chế biến đã làm cho món cơm nị – cà púa trở nên hoàn hảo ở mọi chi tiết.

17. Dưa xoài

Dưa xoài là món ăn có nguồn gốc từ cù lao Giêng, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Để làm dưa xoài, người ta chọn xoài non nhỏ rồi đem gọt vỏ, bỏ hạt và đem ngâm vào trong nước. Sau đó rửa sạch, ngâm muối rồi xả một lần nữa trước khi ướp. Sở dĩ nó thơm ngon là vì miếng xoài được ướp gia vị đúng liều lượng.

18. Bánh xèo rau rừng

Bánh xèo nóng hổi ăn kèm với 30 loại rau rừng là đặc sản trên núi Cấm cao. Mỗi loại rau có hương vị đặc trưng riêng và một số rau theo kinh nghiệm nhân gian là vị thuốc tốt cho sức khoẻ. Về phần bánh xèo bao gồm thịt ba rọi, giá và tép. Khi thưởng thức, bánh xèo sẽ được ăn kèm với các loại rau thiên nhiên, hòa trộn thành hương vị đặc biệt.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *